Năm học 2013-2014, ngành Giáo dục và đào tạo Cà Mau có 562 trường học và đơn vị trực thuộc, gồm 131 trường Nhà trẻ - Mẫu giáo, 267 trường Tiểu học, 117 trường THCS, 31 trường THPT; 03 trường Cao đẳng, 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp; 09 Trung tâm GDTX; 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và 01 trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Về biên chế, ngành Giáo dục và đào tạo được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giao năm 2012 là 18.166 biên chế, trong đó, các đơn vị thuộc Sở Giáo dục và đào tạo có 2.106 biên chế; khối Phòng Giáo dục các huyện, thành phố có 16.060 biên chế. Chỉ tiêu biên chế này vẫn ổn định cho đến nay.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị sự nghiệp giáo dục khối trực thuộc Sở Giáo dục và đào tạo hiện có tổng số 2.553 người, trong đó biên chế 1.986, hợp đồng giáo viên và nhân viên 567 người); khối Phòng Giáo dục các huyện, thành phố hiện có 14.310 người, trong đó biên chế 12.084 người, hợp đồng 2.226 người (hợp đồng giáo viên 1.726 và hợp đồng nhân viên 492 người.

Thực trạng hiện nay, đối chiếu việc bố trí, phân công giáo viên của khối trực thuộc Sở theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập. So sánh số hiện có và tỉ lệ theo quy định đối với khối trường THPT và trường chuyên biệt: theo tỉ lệ quy định phải có 1.846 người, trong đó cán bộ quản lý 97, hiện có 80 (thiếu 17); giáo viên THPT 1.466, hiện có 1.591 (thừa 125); giáo viên THCS 209, hiện có 169 (thiếu 40); nhân viên 178, hiện có 115 (thiếu 63 người).

Theo Sở Giáo dục và đào tạo Cà Mau, thừa giáo viên THPT tập trung chủ yếu ở các trường có cấp THCS vì cấp học này những năm gần đây không có đào tạo những môn cơ bản mà chỉ đào tạo các môn chuyên, do đó các trường có cấp THCS chủ yếu phân công giáo viên THPT tham gia giảng dạy. Một số trường THPT số lượng học sinh tuyển vào đầu cấp giảm dẫn đến dôi dư giáo viên cục bộ. Số giáo viên đi học cao học tập trung 2,5 năm (52 giáo viên) cần giáo viên khác thay thế, nhất là các đơn vị ở vùng sâu. Đối với đội ngũ nhân viên trường học hiện nay rất khó tuyển, đội ngũ này theo quy định phải đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học hiện nay thực hiện theo quy định tại Quyết định 536/QĐ-UBND ngày 09/4/2010 và Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 13/8/2010 của UBND tỉnh Cà Mau. Đối tượng được bổ nhiệm phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang thiếu 17 cán bộ quản lý các đơn vị, trường học trực thuộc Sở, các nhà trường đã có giáo viên trong diện quy hoạch được cử đi bồi dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn, sắp tới sẽ tiến hành các quy trình bổ nhiệm.

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức của ngành tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo phải đảm bảo cấp THPT theo tỷ lệ 2,25; 2,4; 3,1 giáo viên/lớp, nhưng đồng thời cũng phải đồng bộ về cơ cấu môn học. Trong quá trình bố trí sắp xếp đến nay vẫn còn một số đơn vị, trường học chưa đảm bảo theo tỷ lệ và chưa đồng bộ về cơ cấu nhất là đơn vị, trường học ở vùng sâu, vùng xa, do điều kiện khó khăn về chỗ ở, phương tiện đi lại nên số giáo viên hợp đồng phân công về không nhận nhiệm vụ hoặc nhận nhưng một vài tháng sau cũng bỏ việc, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng cũng như chất lượng hoạt động của đơn vị.

Đến nay, Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đã sắp xếp, bố trí và chuyển đổi công việc cho giáo viên các cấp trong đơn vị quản lý nhằm đảm bảo theo tỉ lệ quy định và để nâng cao chất lượng đội ngũ; hiệu quả việc sắp xếp cùng với quy mô học sinh phổ thông tăng dần hàng năm đã bước đầu khắc phục được tình trạng thừa giáo viên. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa khắc phục triệt để. Tính tỉ lệ theo quy định của Thông tư 35 và Thông tư 71 thì khối Phòng giáo dục và đào tạo cần bổ sung thêm 748 giáo viên (chủ yếu là cấp mầm non và cấp tiểu học), tuy nhiên giáo viên THCS thừa 72 người.

Sau giám sát của HĐND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với ngành Giáo dục và đào tạo của tỉnh về hướng khắc phục tình trạng thừa, thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục trong những năm tới. Trong đó tập trung một số giải pháp như: thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý cho các đơn vị, trường học còn thiếu cán bộ quản lý, nếu đội ngũ quy hoạch đảm bảo đủ điều kiện theo quy định; điều động, luân chuyển giáo viên dôi dư cục bộ nơi thừa đến nơi thiếu theo nhu cầu của đơn vị; chọn cử số giáo viên dôi dư đi học môn Giáo dục quốc phòng (môn này hiện này còn thiếu giáo viên); kiểm tra, rà soát việc đánh giá xếp loại giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp nếu không đạt yêu cầu mạnh dạn chuyển làm công việc khác hoặc mạnh dạn bãi nhiệm; giao quyền tự chủ về biên chế và kinh phí cho các đơn vị, trường học khi sắp xếp ổn định về cơ cấu môn học đúng tỷ lệ theo quy định; Đoàn giám sát đã đề xuất UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, ưu tiên các huyện khó khăn trước. Đồng thời Đoàn công tác cũng kiến nghị ngành Giáo dục và đào tạo thực hiện tốt việc quản lý và phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục theo định mức quy định hiện hành; chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố trong thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên của ngành, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của ngành; tiếp tục rà soát, sắp xếp cán bộ, giáo viên hợp lý, nhằm giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu biên chế như hiện nay.

Nguyễn Sơn Ca

Nhận xét

Bài liên quan